Tháng 12 là thời điểm bắt đầu mùa thuận làm bông sầu riêng của bà con khu vực Tây Nguyên và Miền Đông, vấn đề được quan tâm nhiều là cây sầu riêng nhà mình như vậy đã đủ sức làm bông chưa? Để giải đáp thắc mắc này cho bà con, trong bài viết này sẽ hướng dẫn bà con cách nhận biết cây sầu riêng như thế nào là đủ điều kiện và có thể làm bông được.
Độ tuổi cây
Cây đủ sức làm bông phải từ 3 - 4 năm tuổi trở lên. Bà con nên làm bông cho cây từ 4 năm tuổi trở lên để cây đủ sức và tránh tình trạng cây suy. Dàn cành của cây phải to và chắc khỏe, đảm bảo có khả năng mang trái. Một số vùng do thổ nhưỡng và khí hậu không tốt nên họ có thể để cây đến 5 6 năm mới làm bông. Thường cây tơ sẽ khó làm hơn do cây còn sung, khi cây đã thuần thục thì việc xử lý ra hoa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Cây đủ cơi lá
Cây sầu riêng muốn làm bông phải đi đủ 2 cơi đọt trở lên thì cây mới đủ sức (cây đã ra được 2 lần đọt và lá đã già hoàn chỉnh, đối với cây yếu nên chăm 3 cơi để cây có sức nuôi trái), theo nghiên cứu thì nuôi 1 trái sầu riêng cần đến 333 lá. Khi cơi lá sầu riêng chuyển đã mở hoàn toàn, lá có màu non đọt chuối (hay lá bánh tẻ) thì tiến hành dằn gốc bằng Lân. Nếu bộ lá hơi yếu sẽ ra hoa dễ hơn, nhưng cần dưỡng cơi lá lúc mắt cua thật kỹ, vì dễ gây xả lá hoặc xả trái.
Dàn lá cây Sầu riêng xanh bóng, khỏe
Để thúc đẩy lá già nhanh, bà con có thể dùng các sản phẩm có Lân và kali cao phun đều lên mặt lá. Để có một bộ lá đẹp, dày, xanh bóng cần kết hợp cân đối giữa hữu cơ và hóa học. Nguyên lý cơ bản là phân bón chứa lân cao sẽ giúp lá xanh dày, giúp phân hóa mầm hoa còn phân bón chứa kali cao sẽ giúp làm già lá, cứng cây, tăng chất lượng hoa quả.
Vệ sinh cây
Tỉa bỏ cành tăm, cành bơi trong thân (nếu cây có ít lá, thì đợi sau khi phun tạo mầm, già lá xong lần cuối thì hãy bắt đầu tỉa). Sau đó phun và tưới gốc các loại thuốc ngừa nấm bệnh (đặc biệt là thán thư) lên toàn cây và xung quanh gốc như bằng một số hoạt chất hóa học như Azoxytrobin, Ascorbic acid, Citric acid, Hexaconazole, Difenoconazole,…
pH đất
Vấn đề pH đất là rất quan trọng cho cây đặc biệt trong giai đoạn làm bông. pH đất sẽ ảnh hưởng đến độ hữu dụng của các nguyên tố dinh dưỡng trong đất đối với cây trồng. Vì thế muốn cây khỏe, ra hoa đậu quả tốt cần kiểm tra pH thường xuyên và duy trì ổn định ở mức pH từ 5,5 - 6,5 là tốt nhất. Có thể bổ sung vôi, hữu cơ như Humic Mỹ Hoàng Phúc để cân bằng pH.
Kiểm tra pH thường xuyên và Duy trì mức pH ổn định từ 5,5 - 6,5
Quản lý sâu bệnh hại
Bà con cần kiểm tra sâu đục thân, thán thư, rầy, rệp, côn trùng chích hút, nấm, đốm rong… trên cây. Sau đó phun phòng trừ bằng các sản phẩm trị bệnh. Phải đảm bảo cao cây thật khỏe mạnh để đủ sức làm bông. Bà con cũng cần xử lý rong rêu, sát khuẩn, khử trùng cho bằng trước khi làm bông.
Thời điểm làm bông
Ở Tây Nguyên: Thời điểm làm bông thường rơi vào tháng 1 và tháng 2 dương lịch.
Ở miền Đông: Thời điểm làm bông thường rơi vào tháng 11 và tháng 12 dương lịch.
Thời điểm đó khô hạn, ít mưa, tiết gió thuận lợi để làm bông (miền Tây thì gọi là mùa gió chướng). Tiết làm bông 1 tháng thời có 2 tiết (thường cách vài ngày so với đầu tháng và giữa tháng, cách nhận biết là thấy có gió chướng, trời hơi se se lạnh). Thời điểm đó cây dễ ra bông, ra bông đều, mạnh và khỏe. Làm bông vào đúng tiết thì sẽ thuận lợi và đỡ công hơn.
Khi tiến hành làm bông bà con cần điều chỉnh cơi đọt đồng đều, sau đó mới bón lân, loại lân sử dụng có thể là lân Văn Điển hoặc Super lân.
Bà con nên tham khảo các nhà vườn ở khu vực bà con về thời gian và tiết bông để chính xác hơn. Hoàng Phúc chúc bà con mùa vụ bội thu, được mùa trúng giá!