Cây phật thủ là loại cây được trồng khá phổ biến ở Việt Nam từ 18 năm trước. Cây Phật thủ là loại cây dễ trồng nhưng lại được mệnh danh là loại cây “khó tính” vì đòi hỏi kỹ thuật khá phức tạp và người trồng cần nhiều thời gian chăm sóc nuôi dưỡng để cây có thể phát triển một cách tốt nhất, cho ra những trái đẹp để mang về nguồn lợi kinh tế cao. Chính vì giá trị kinh tế của Phật thủ mang lại rất cao nên loài cây này trở thành cây phát triển chủ lực kinh tế của nhiều vùng phía Bắc.
Mô tả giống
Phật thủ có tên khoa học là Citrusmedica var. sarcodactylis, là giống cây ăn quả thuộc chi Cam chanh. Đặc trưng của quả chính là có nhiều tay như bàn tay phật và có màu vàng đẹp mắt.
Quả phật thủ thường có mặt trong mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Việt hoặc có thể dùng ăn tươi, làm mứt.
Cây phật thủ là loài cây thân gỗ nhỏ, cao từ 2 - 2,5m, mùa ra hoa cho hiệu quả kinh tế tốt nhất là tầm tháng 3, sẽ cho thu hoạch vào dịp tết.
Chuẩn bị đất trồng
Chiết cành và ghép cành là cách nhân giống Phật thủ phổ biến nhất hiện nay. Mua cây Phật thủ ở đâu, bà con cũng nên tìm hiểu kỹ, đảm bảo chọn cây giống khỏe, không sâu bệnh.
Thích hợp nhất trên nền đất cát pha ven sông giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoáng khí, có khả năng thoát nước tốt, ưa đất chua có độ pH từ 5,5 - 6,5. Phật thủ ưa ánh sáng nên trồng ở nơi có ánh sáng trực xạ.
Là loại cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được úng nên cần có một hệ thống vòi phun nước hoàn chỉnh để cung cấp nước cho cây khi thời tiết nắng nóng kéo dài.
Những đất đã trồng Phật thủ thì sau một vòng đời của cây nên chuyển sang vùng đất khác, hoặc có thể cải tạo bằng việc trồng luân canh các cây họ đậu vài năm rồi trồng lại. Việc trồng cây họ đậu sẽ giúp cải tạo một cách an toàn cho đất đồng thời bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây hiệu quả.
Chuẩn bị hố trồng:
Kích thước hố trồng 0,6 x 0,6 x 0,6m. Nếu vùng đất trũng cần chú ý hệ thống thoát nước, đắp mô cao từ 0,5m và rộng 0,8 - 1m. Nếu vùng đất cao, mặt đất bằng phẳng thì đắp mô cao 0,3 - 0,8m, rộng 0,8 - 1m, độ dốc <5% thì bà con không cần vun mô.
Khoảng cách và mật độ trồng:
- Sau khi mua cành chiết về bà con tiến hành giâm cành, hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 40cm, có thể trồng trong chậu hoặc giâm trên luống. Cây lên đợt lộc 1, đợi lá cứng, bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng ure hoặc NPK. Khi cây được 4 - 5 tháng, đạt độ cao khoảng 1m thì đem ra ruộng trồng.
- Mật độ trồng là cây cách cây 3 - 3,2m, hàng cách hàng 4 - 4,2m, để cây không cạnh tranh ánh sáng cũng như là thuận tiện cho việc chăm sóc.
Thời vụ trồng:
Phật thủ có thể trồng quanh năm.
- Vụ Đông - Xuân: trồng vào tháng 2 - 3.
- Vụ Thu - Đông: trồng vào tháng 8 - 10.
Kỹ thuật trồng cây Phật thủ:
Tiến hành đào một hốc nhỏ giữa mô, đặt cây con vào hốc, tháo bao đựng bầu và lấp đất giữ chặt bầu cây, cắm cọc giữ cây cố định. Sau khi trồng, nên tưới nước giữ ẩm vừa phải cho cây, những tuần đầu sau trồng có thể tưới từ 3 - 5 ngày/lần, sau đó khoảng 7 - 10 ngày/lần.
Tỉa cành tạo tán cho cây Phật thủ
Cắt tỉa những cành vượt, loại bỏ những cành già cỗi, sâu bệnh và vít những cành đẹp xuống thay thế, tạo tán giúp cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp và cây phát triển cân đối.
Phật thủ thuộc giống cam thân mềm, cành cây thường bò lan trên mặt đất. Do đó, bắt đầu từ khi cây đạt chiều cao từ 1,7 - 1,8m, nên làm giàn tre để đỡ cho cây, có kích thước cho bà con tham khảo là 1,8m x 1,8m và cao 1,6m. Cây con chăm sóc theo các đợt lộc, mỗi một đợt lộc ra 2 - 3 lá non thì tiến hành phun ngừa sâu bệnh hại (sâu vẽ bùa, chích hút...).
Chống rét cho cây Phật thủ:
Cây Phật thủ chịu rét yếu, nhiệt độ thích hợp là 22°C - 26°C. Đặc biệt, loại cây này dễ bị rụng lá, nếu số lá rụng hơn một nửa, sẽ gây ảnh hưởng đến sự quang hợp, phải kịp thời tỉa bớt các chồi ngọn để giữ lá, giữ được lá là giữ được quả.
Tưới nước nên căn cứ theo mùa, khi nhiệt độ thấp thì tưới 3 - 4 ngày/lần. Vào mùa hè nhiệt độ cao, ngày tưới 1 lần và không tưới nước vào buổi trưa. Vào mùa đông, phải khống chế lượng nước tưới, giữ cho đất ẩm vừa, nên chia ra nhiều lần tưới với lượng nước ít không nên tưới quá nhiều nước.
Bón phân cho cây Phật thủ:
Để cây trồng phát triển tốt và cho năng suất cao thì việc bón phân là điều cần thiết, mỗi giai đoạn cây sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau nên cần kết hợp đúng và đủ lượng cũng như loại phân:
- Bón lót khi giâm cành: có thể dùng phân hữu cơ hoai mục 10-15kg + 10 - 15kg tro trấu hoai + 1kg phân lân bón lót xuống rồi lấp đất lên trước khi đặt cành chiết. Khi cây ra một đợt lộc, đợi đến khi lộc cứng có thể bón nhẹ bằng đạm Ure.
- Bón lót khi trồng xuống hố: Trước khi đem trồng chính thức, bón lót với vôi, phân chuồng, phân hữu cơ hoai muc, phân lân khoảng 10kg/hố rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Bón phía dưới hố, lấp ít đất và đặt cây con để trồng. Chú ý luôn giữ sạch cỏ dại.
- Bón thúc năm đầu tiên: Sau khi mà cây đã ra được một đợt lộc, đợi khi cây cứng lộc thì tiến hành bón thúc bằng đạm Ure hoặc các loại phân NPK có hàm lượng đạm cao để cho cây nhanh chóng phát triển thân lá, có nhiều lá và lá khoẻ. Có thể hoà phân với nước để tưới theo liều lượng 10 NPK/10 lít, kết hợp thêm Đạm cá Neptune Harvest + Humic Acid , định kỳ 3 - 4 lần/năm.
- Bón thúc năm thứ hai: Sau khi cây đã phát triển ổn định, bà con tiến hành bón thúc bằng các loại phân NPK có hàm lượng đạm và lân cao như NPK 20 - 20 - 15 + TE hoặc NPK 16 - 16 - 8+ TE… Hoà phân với nước để tưới với liều lượng 10 - 15g NPK/10 lít hoặc bón gốc với liều lượng 50 - 70g NPK/gốc/lần, bón theo đường kính tán. Mỗi lần bón kết hợp thêm 30g Humic Acid Granules 99% hoặc Humic Acid Powder 95%, hoặc có thể hòa chung với Đạm cá Neptune's Harvest + Humic Acid (1 can 4L + 2kg humic => 2000 lít nước), tưới cho cây từ 3 - 4L/gốc.
(Chú ý: Sau mỗi lần tưới thúc xong, nên tưới lại 1 lần nước lã cho cây hoặc có thể bổ sung thêm các loại phân trung vi lượng để cho cây phát triển toàn diện thông qua bón thêm phân hữu cơ hoặc các loại phân bón lá, nếu đất quá khô hoặc trời nắng quá gắt thì nên tưới sơ nước cho ẩm đất rồi mới tưới phân bón).
Vào thời kỳ bón thúc cho cây nên cho thêm đất mới vào tán cây dày 2 - 3 cm cùng kết hợp với bón phân hữu cơ hoai hay phân hoá học. Thời kỳ kiến thiết cơ bản của các vườn Phật thủ, có thể trồng xen những loại cây rau màu, cây ngắn ngày khác để giúp bảo vệ và cải tạo đất, ngoài ra cũng giúp bà con có thêm thu nhập.
Thu hoạch Phật thủ
Từ 1 - 1,5 năm cây Phật thủ sẽ bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên và tiếp tục đậu quả trong 5 - 6 năm tiếp theo. Khi quả chín vàng thì tiến hành thu hoạch, nên thu hoạch vào lúc trời mát, không nên thu quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả dễ bị ẩm thối khi tồn trữ. Quả Phật thủ đẹp là quả rắn chắc, vỏ tươi sáng với hương thơm, ngón tay nhiều, dài, móng nhọn.
Kết luận
Để có được một quả Phật thủ đẹp, mang lại giá trị kinh tế cao cần quá trình lâu dài. Bài viết là chia sẻ của Nông nghiệp Hoàng Phúc về cách trồng cây Phật thủ, chúc bà con thành công!